KhanhlyMinori

Time waits for no one...

  • Về Ly
  • HỌC TIẾNG NHẬT
    • Ngữ pháp tiếng Nhật
      • Tổng hợp ngữ pháp N1
      • Ngữ pháp N2
      • Ngữ pháp N3
      • Ngữ pháp N4
      • Ngữ pháp N5
      • Ngữ pháp N0
    • Từ vựng tiếng Nhật
    • Các TIPS học tiếng Nhật
      • Phân biệt từ vựng, ngữ pháp giống nhau
      • Những diễn đạt khó trong TN
    • Luyện dịch tiếng Nhật
    • 1001 chuyện về tiếng Nhật
  • Cuộc sống
    • Cuộc sống ở Nhật
    • Chuyện học tập
    • Chuyện đi làm
    • Chuyện tình cảm
  • Review sách
    • Review sách, tiểu thuyết, truyện
    • Review sách tiếng Nhật
  • Blogs
  • Góc bạn đọc

Ý NGHĨA TÊN CỦA BẠN LÀ GÌ?

11.05.2022 by Khanh Ly // Leave a Comment

|Ý NGHĨA TÊN CỦA BẠN LÀ GÌ?|

Trước khi đi vào chủ đề chính, mình phải “giới thiệu” bác Miyaoka – bác ở công ty mình và là người mình tiếp xúc, làm việc cùng nhiều nhất, cũng là người cho mình cảm nhận được “tình người” ở nơi đất khách quê người.
Ảnh mình và bác Mi đi chơi ở bảo tàng Yamato – Kure 
Vì không quen cuộc sống ở Nhật, nên tâm trạng mình lên xuống thất thường như những con sóng trên biển ngay cạnh công ty vậy. Hôm nào vui thì không sao, nhưng hôm nào tụt mood thì mặt không khác gì tàu lá chuối khô. Ấy vậy mà người kiên nhẫn luôn hỏi han mình “Cháu có ổn không?” luôn là bác Mi. Mỗi khi nhìn thấy mình, bác đều hỏi câu đó, rồi những lúc ăn trưa bác cũng hỏi: “Mệt vậy rồi con có ăn cơm được không?”…
Ban đầu mình toàn nói: “Cháu ổn”. Nhưng dần dần, mình biết cũng chẳng giấu nổi và cũng chẳng muốn giấu nữa, những lúc đó đều vừa lắc lắc đầu, vừa trả lời bác: “Cháu không ổn tí nào”.
Rồi bác đều thở dài và bảo: “Mệt thì nghỉ ngơi đi”, hoặc “Mệt thì xin về cũng được”…
Mỗi lần như vậy mình đều cảm kích và tủi thân đến mức rơm rớm nước mắt luôn.
…..
Hôm nọ, bác khoe con gái bác mới sinh em bé. Mình hỏi thế cả nhà đặt tên cho bé chưa. Bác bảo rồi, bé tên là “大雅” (đọc là たいが – Taiga), chữ Hán Việt là Đại Nhã.
Xong mình bảo,
– Tên người Nhật viết Kanji ra mới hiểu hết được nghĩa bác nhỉ.
– Ừ. Nhã này là nhã trong Nho Nhã.
– Ở Việt Nam cháu thấy nhiều tên cũng không cần có nghĩa ý.
Bác mới hỏi:
– Thế tên Khánh Ly của con nghĩa là gì?
Mình mới ngẫm tí, rồi nói:
– Thật ra trước cháu cũng tưởng tên mình không có nghĩa gì lắm. Nhưng ngẫm ra thì theo tiếng Việt có thể hiểu là “cái ly” hoặc “hoa ly”.
Bác Mi mới bảo:
– Tên “hoa ly” nghe có nghĩa hơn. Chắc bố mẹ con mong muốn lớn lên thật xinh đẹp và tỏa sáng.
Nghe bác nói vậy, sau 23 năm cuộc đời mình mới nghiêm túc đi tra nghĩa của hoa Ly và thấy tên mình cũng có nghĩa phết đấy chớ.
Mình chỉ nghe Mẹ có kể, trước kia mẹ rất thích phim (mình không nhớ tên) có ba chị em gái rất tài giỏi tên là Tống Ái Linh, Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh.
Mẹ đặt tên cho chị gái mình là Khánh Linh rồi, nên khi sinh mình ra định đặt tên mình là Mỹ Linh nữa. Nhưng bà trẻ mình không thích tên trùng nhau, nên bảo đổi tên cho mình sang Khánh Ly.
Hồi mới nhận thức, bản thân mình thấy tên hơi “đanh đá”, xong dần dần thấy mọi người đều khen và gọi tên mình bằng những giọng rất yêu quý và cưng cưng nên mình không còn ý kiến gì nữa từ rất lâu rùi ??? Mỗi lần nghe mọi người gọi “Khánh Ly”, “bé Ly”, “Ly còi”… thích lắm luôn!!!
Mình thích tên của mình lắm và cảm ơn gia đình đã đặt tên cho mình như vậy!
Từ đó, mình cũng thích gọi tên người khác bằng thái độ trân trọng và quý mến, khi viết sẽ không được phép viết sai và thường viết hoa. Vì mình biết, đằng sau tên gọi đó là cả một tình yêu to lớn và sự hãnh diện của gia đình, quan trọng nhất là cái tên cũng chính là thể hiện con người của người ấy nữa.
Chắc hẳn mọi người cũng sẽ có kỉ niệm nào đó gắn với tên của mình đúng không ???

Categories // Blogs Tags // cuộc sống ở Nhật

REVIEW DU LỊCH KAGAWA – NHẬT BẢN 2 NGÀY 1 ĐÊM

05.22.2022 by Khanh Ly //

REVIEW DU LỊCH KAGAWA – NHẬT BẢN 2 NGÀY 1 ĐÊM

Đây là chuyến đi chơi xa đầu tiên của mình từ khi đến Nhật. Và cũng là khoảng thời gian trải nghiệm được nhiều và ý nghĩa nhất trong tháng đầu đặt chân đến đây.
Lý do mình quyết đi Kagawa là, cách đây khoảng 2 năm mình thực tập theo chương trình METI Internship, mình làm về mảng truyền thông du lịch cho công ty Nhật. Hồi đó mình may mắn được cô Satoko ー là quản lý và Founder của công ty trực tiếp dẫn dắt. Chỉ làm việc cùng cô vỏn vẹn 3 tháng thôi, không nói về mặt công việc, về mặt tình cảm vô cùng tốt đẹp và 2 cô cháu luôn giữ liên lạc suốt hơn 2 năm qua
Sau hơn 2 năm, mình đã đến Nhật và được cô mời đến Kagawa – quê hương của cô chơi, cô đã thiết kế sẵn một chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm cực kỳ chi tiết, đã vậy cô cùng chú Giám đốc còn lái xe 4 tiếng đồng hồ đến tận Hiroshima để đón mình, đặt sẵn khách sạn, đặt sẵn xe chiều về cho mình nữa. Phải nói là cảm động không từ ngữ nào diễn tả được. Mình về kể với bố mẹ, nói đùa rằng “2 ngày hôm đó là 2 ngày con được chiều chuộng như 1 nàng công chúa” :v
Hôm nay, cuối tuần mới rảnh để viết đôi chút về Hành trình 2 ngày 1 đêm của mình tại Kagawa (14/05/2022 ~ 15/05/2022).
———
Link Blog của cô mình viết về chuyến du lịch ?
https://kole.ponandcon.com/2764/

☝️NGÀY 1☝️ 

 

Sáng ngày đầu tiên, mình được cô chú sang đón bằng ô tô ?.
Trên đường đi đến Kagawa cũng dừng chân thăm thú các địa điểm bằng ô tô luôn. Chiều đi mất khoảng 4 tiếng từ Hiroshima đến Kagawa.
  Lịch trình chi tiết chuyến đi
Khi cô gửi bức ảnh kế hoạch chi tiết đến từng giờ từng phút thế này mình ngạc nhiên kinh khủng và phải thốt lên rằng: “Quả nhiên là cô mình, quả nhiên là người Nhật”!, lúc nào cũng chăm chút, tỉ mỉ đến mọi thứ luôn ấy.
Nhìn thôi đã thấy yên tâm và háo hức vô cùng rồi.
—
Kagawa là vùng đất “nhỏ nhất xứ Phù Tang” nằm ở đảo Shikoku nên đi từ Hiroshima phải đi “vượt biển” luôn. Trên đường đi 3 người chúng mình nói chuyện rất nhiều, vì chat với nhau quá nhiều rồi nhưng nhìn nhau ngoài đời như hôm đó là lần đầu tiên. Cảm giác thật thật ảo ảo khó tả lắm. Không hẹn mà cả 2 bên đều nói: “実際に会えて、嬉しい!” .
https://khanhlyminori.com/wp-content/uploads/2022/05/2.mp4
      Eo biển trước đây từng có c.uớp biển
Nói chuyện nhiều quá đâm ra mình còn ngủ gật luôn trên xe, lúc tỉnh dậy đã đến eo biển này. Cô nói ở đây trước kia rất nhiều đảo lớn nhỏ, tàu thuyền thường xuyên đến đây lánh nạn, một vài nhóm người đã tự xưng là “c.ướp biển”, lấy lý do hướng dẫn tàu thuyền lánh nạn đến nơi an toàn để đòi tiền.
Không biết đòi nhiều tiền không, mà mình thấy lý do cũng “hợp lý” ?
Quán Cafe “Ta蔵” (Takura) – được cải tạo lại từ một nhà kho cũ
Xuất phát từ Hiroshima lúc 7h40. Đến Kagawa khoảng 11h25 và chúng mình dừng chân ở đây ăn trưa.
Tại sao lại là quán Cafe này? Vì quán cafe này được cải tạo lại từ một nhà kho cũ(蔵-kura)theo lối truyền thống xa xưa ở đây. Không chỉ phục vụ nước uống mà còn phục vụ đồ ăn. Với suất cơm 和食からあげ (cơm gà rán Karaage) bên dưới chỉ có 900 Yên (~180k), sướng cái là người ta cho nhiều salad kinh khủng (trong khi rau bên Nhật đắt), thêm 300 Yên nữa để kèm nước uống và đồ tráng miệng. Mình ăn phỡn cả bụng ra luôn!
Chấm: 10/10 luôngggg!
⛰⛰⛰
Danh thắng đầu tiên ở Kagawa mình được đến thăm là ngôi đền Konpira-san với 785 bậc đá linh thiêng để đi được đến điện thờ chính (本宮) – mất khoảng 40ph leo, còn để đến được điện thờ bên trong (奥社) phải leo tổng cộng 1,368 bậc. Ngay từ dưới chân đền mọi người đã thuê gậy chống rồi, mà mình nghĩ chắc không sao đâu ? May vẫn leo hết được 785 bậc mà không ngất.
Phía dưới chân núi chuẩn bị leo lên đền Konpira-san
Suốt chặng đường dẫn tới điện thờ, hai bên đều là các dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm, truyền thống… mình nhìn lác cả mắt luôn á.
Cô nói, đường ở giữa là đường cho Thần linh đi, nên người nên đi sang bên phải để thể hiện lòng thành kính.
https://khanhlyminori.com/wp-content/uploads/2022/05/6487799738149632959.mp4
Khung cảnh thiên nhiên bao quanh thì phải nói là đỉnh chóp, mùa này cây xanh mướt mắt, nhất định mùa thu thay lá chắc chắn momiji sẽ đẹp thôi rồi!
Đền của Nhật mình đã thích từ hồi xem anime, manga, linh thiêng lắm và nhìn những tượng đá, cột đèn đá, những cổng đền thôi đã thấy thần bí như “lạc vào vùng đất linh hồn” trong Ghibi rồi!
Địa chỉ 892-1, Kotohira-cho, Nakatado-gun, Kagawa 香川県仲多度郡琴平町892-1
Cách đi Khoảng 15 phút đi bộ từ ga Kotohira
 Vé vào Miễn phí (Chỉ tốn tiền gửi xe ở bãi)
Ở đền Konpira-san mình còn rút おみくじ(Omikuji). Một lần rút khoảng 100 Yên. Trong một bao Omikuji ở Konpisa-san thường có 1 tờ nội dung, 1 tấm bùa nạm hình chú chó biểu tượng, một tờ giải thích về sự ra đời của chú chó biểu tượng ấy (Với những vị khách muốn đến thăm đền, nhưng không thể đi được, những chú chó này sẽ thay thế để cầu ước thay họ).
Và nội dung thẻ mới khiến mình “giật mình” khi cho mình lời khuyên về đúng vấn đề hiện tại mình đang gặp phải ở Nhật: “心静かに諸事控え目にして、これまでの職業を守り、身を慎んで勉強しなさい。そのうちに悪い運気去って幸福の時が来ます。” (Hãy cứ bình tĩnh và khiêm tốn với mọi thứ, giữ công việc từ trước đến nay, kiềm chế bản thân tiếp tục học tập. Cuối cùng, vận xui biến mất, hạnh phúc sẽ đến”.
おみくじ(Omikuji)
Với những ai không may rút phải thẻ không được tốt, mọi người có thể gấp lại rồi buộc vào giá buộc Omikuji như trên ảnh. Rồi có thể quay lại đền cầu mong với Thần linh về ước nguyện của mình.
Mình hỏi cô về cách cầu nguyện Thần linh của người Nhật như sau:
B1: Xếp hàng chờ đến lượt (nếu đông)
B2: Trước đền thờ luôn có hòm gỗ để ném tiền vào. Dừng trước hòm ném tiền, cúi chào kính cẩn rồi ném tiền vào hòm (thường là tuỳ tâm, nhưng theo quan niệm của người Nhật, đồng 5 Yên là đồng may mắn nên cũng nhiều người ném đồng 5 Yên vào).
B3: Chắp hai tay vào với nhau (bàn tay phải để thấp hơn tay trái 1 chút), rồi bắt đầu cầu (xưng tên tuổi, nơi ở, “lời cầu chúc”, cảm ơn)
B4: Cuối cùng là vỗ 2 tay vào với nhau 3 lần, rồi cúi chào lần cuối.
B5: Bước xuống (đi sang bên phải).
Nhà hát kịch Konpira Kabuki ( Kanamaruza)
Sau đó, mình còn được đi tham quan Sân khấu kịch Kabuki lâu đời nhất Nhật Bản “Nhà hát kịch Konpira Kabuki ( Kanamaruza)” – mình nghe bác ở đây nói là nhà hát kịch Kabuki này mỗi năm chỉ tổ chức một lần (thường vào tháng 4) và các đoàn kịch Kabuki nổi tiếng nhất ở Tokyo hay Osaka, diễn viên kịch Kabuki đều mong muốn được đến đây biểu diễn. Các bác ở đây có giải thích về cấu trúc sân khấu, trình tự biểu diễn, phía trên trần, phía sau và phía dưới sân khấu – 舞台(ぶたい)- butai có những gì để khiến Kabuki hấp dẫn đến vậy…
 
Mặc dù nghe không hiểu gì lắm. Nhưng đầu tiên là cấu trúc sân khấu lẫn hậu trường của Kabuki đều khá thú vị, trước kia thời xa xưa vị trí xem Kabuki phải phân theo cấp bậc xã hội (cấp các quý tộc là cao nhất) sẽ được ngồi trên tầng 2. Giờ thì ai có xiền thì đều vào xem được. Vé hạng bét nhất ở đây cũng rơi vào 2 man rưỡi Yên Nhật (~ 5 triệu tiền Việt). 
 
Đến đây mình còn được các bác gọi bằng danh xưng rất quý sờ tộc ngày xưa お嬢様(Ojyousama) (tiểu thư).
Địa chỉ
Địa chỉ: 〒766-0001 Kagawa, Nakatado District, Kotohira, 乙1241
Cách đi Đi bộ từ Đền Konpira-san, đến
Nhà hát Kanamaruza Kabuki 旧金毘羅大芝居「金丸座」
 Vé vào Người lớn: 500 Yên
Học sinh cấp 2, cấp 3: 300 Yên
Thành Marugame (丸亀城)
Điểm đến tiếp theo là thành Marugame (丸亀城). Bạn Ly đã “chinh phục” được thành (Oshiro) thứ 2 ở Nhật.
Các thành ở Nhật nhìn qua tương đối giống nhau, thành Marugame được xây trên đồi cao với các 天守閣 (tenshukaku) – tháp canh để tiện theo dõi và tránh sự tấn công của địch, thường được xây bằng đá, bao quanh bởi hào nước…
Vì vị trí cao như vậy nên khi leo được lên khung cảnh đẹp vô cùng luôn!!! Phần lớn mình thấy người già ở Nhật leo rất nhiều, cộng thêm vài đôi trẻ lên ngắm cảnh nữa.
Địa chỉ
Marugame-shi, Kagawa-ken
Cách đi

Cách Ga Marugame 15 phút đi bộ

Vé vào Miễn phí
Tham quan tháp canh (theo mình nhớ là 200 Yên/người)

 

Ngày đầu tiên đi đường xa, cũng đi bộ và leo khá nhiều nên hơi mệt. Buổi tối cô và chú dẫn mình đi đến quán ăn mà công ty cô thiết kế. Đồ ăn phải nói là siêu ấn tượng khi món nào cũng được trang trí cùng hoa tươi, thiết kế quán độc đáo với phong cách chủ đạo từ hoạ tiết của một hoạ sĩ nghe nói rất nổi tiếng.

✌️NGÀY 2✌️

 

Thưởng thức mì Sanuki Udon trứ danh Kagawa
Sang ngày thứ 2, sáng sớm mình được cô chú đón từ khách sạn, đi đến quán Udon nổi tiếng ở đây để ăn món Sanuki Udon truyền thống của người Kagawa. Người Kagawa phần lớn ăn udon chứ không hay ăn ramen hay soba. Nên có rất nhiều loại udon khác nhau, nếu không phải người bản địa sẽ rất khó chọn. Nên từ hôm trước cô đã dạy mình cách gọi sao cho đúng nhất. Theo như mình thấy có khoảng gần 10 kiểu Udon. Mỗi kiểu lại phải gọi chia ra:
めん(phần mì) – だし(phần nước dùng)
あつ (nóng)     –   あつ (nóng)
あつ (nóng)  –    冷やし(lạnh)
冷やし(lạnh) -    冷やし(lạnh)
冷やし(lạnh) -    あつ (nóng)
Mình ăn loại Kake Udon (nóng-nóng) かけうどん(あつーあつ). Quán ăn này là quán Udon tự phục vụ. Nên sau khi xong phần mì và nước, mình lại tự chọn tiếp topping (gừng, hành, tempura, vụn bột tempura, shouyu…). Mình thấy nước dùng thanh thanh, ngọt, ấm, thơm mùi gia vị truyền thống của Nhật, sợi mì to, ăn dai giòn… Nói chung rất ngon.
Giao lưu với chú chủ quán rất vui tính và hài hước!
https://khanhlyminori.com/wp-content/uploads/2022/05/11.mp4
                                                                Vườn Ritsurin
Điểm dừng tiếp theo là vườn Ritsurin – khu vườn cây xanh rộng nhất NB, là nơi bảo tồn nhiều giống cây cảnh và nổi tiếng với vườn ươm bonsai. Trước kia khu vườn thường được các vua chúa cùng các con đến chơi và thưởng ngoạn.
Mình nghe cô kể 1 câu chuyện thú vị rằng: Trước kia ở đây không có thác, nhưng 1 vị vua/ lãnh chúa (từ thời nào đó mình không có nghe rõ) thấy vườn có đủ mọi thứ rồi mà không có tiếng nước chảy, nên đã sai người trèo lên núi, múc nước lên và đổ liên tục xuống làm thác cho vua thưởng thức :v
Mà sau nhiều thế kỉ trôi qua, cuối cùng ở đây cũng xuất hiện dòng thác thật sự. Mình đến cái thác đó cũng hợp lý, vì ở đây có cây, có cảnh, có chim muông,… nếu không có tiếng nước chảy thì cũng thấy thiêu thiếu.
Nói về cảnh đẹp ở vườn Ritsurin thì cả trang A4 cũng không tả hết. Ở đây hội tụ đủ mọi thứ của thiên nhiên, cây xanh rất nhiều nên mùa xuân xanh mướt, mùa thu vàng đỏ của momiji, đi đâu cũng thấy hồ nước xanh và trong với đàn cá koi đủ màu đủ chủng loại bơi lội…
Khu thưởng thức Trà đạo (茶道) 
Ở vườn Ritsurin còn có khu trà đạo (mình không nhớ rõ giá tiền bao nhiêu, nhưng khoảng 500 Yên/người). Bước vào khu này như bước vào thời xa xưa của Nhật với ngôi nhà truyền thống với cửa gỗ xếp ngăn, chiếu tatami, những bức bình phong, phục vụ mặc Kimono… 3 người gọi 2 matcha và 1 sencha, mỗi suất đều kèm 1 chiếc bánh ngọt bao ngon luôn.
Hôm mình đi khá vắng nên được chỗ trà đạo view siêu đỉnh. Vừa nhân nhi trà vừa ăn bánh, vừa ngắm cảnh đẹp 1000 điểm… Chao ôi, cảm giác nhẹ nhàng nhàn nhã ấy, khung cảnh ấy mãi mãi sống trong ký ức không bao giờ tui quên.
Sau khi đi vườn Ritsurin mình còn mua đống đồ lưu niệm và các cô chú còn mua cho đống quà về làm kỷ niệm nữa.
Địa chỉ
1-chome-20-16 Ritsurincho, Takamatsu, Kagawa 760-0073
Vé vào Người lớn: 410 Yên
Trẻ em: 170 Yên

 

Sau đó, mình tới xưởng gỗ nghệ nhân của cô và chú làm chủ. Ở đây có  2 vợ chồng bác nghệ nhân chuyên làm các sản phẩm từ gỗ như (khay, hoa tai, khung tranh ảnh…) phân phối trong nước và thị trường nước ngoài.
Mình biết ơn cô chú lắm vì cô chú luôn tạo điều kiện hết sức để cho mình thăm thú và trải nghiệm hết mọi thứ ở Kagawa nói riêng và NB nói chung.
Lần này cô nhờ bác nghệ nhân hướng dẫn cho mình tự tay làm chiếc khung tranh gỗ, rồi bất ngờ hơn là bác còn tặng luôn nó cho mình kèm cả chữ ký của bác nữa.
Chao ôi sao mà đáng yêu thế chứ!
Cuối cùng là mình đến 屋島山上 (Yashima sanjyou). Ở đây là nơi ngắm được toàn bộ các đảo ở biển nội địa Seto (Hiroshima, bán đảo Shonai là nơi gắn với câu chuyện dân gian mà người Nhật nào cũng biết là “Momo Tarou” – Cậu bé sinh ra từ quả đào…)
屋島山上 (Yashima sanjyou)
Địa chỉ
Yashima Higashimachi, Takamatsu, Kagawa 761-0111
Cách đi

Có thể đi từ các ga JR屋島駅・ことでん屋島駅・四國村⇔ Đến 屋島山上

Vé vào Đồng giá 100 Yên/người (mọi độ tuổi)

TỔNG CHI PHÍ

Vậy là kết thúc chuyến du lịch Kagawa (Nhật Bản) của mình trong 2 ngày 1 đêm. 
Chi phí đi lại: Như mình đã nói chiều đi mình được cô chú đón bằng ô tô, chiều về mình được cô chú đặt xe cho nên mình cũng không rõ giá tiền, nhưng xem chừng không quá đắt. Cụ thể:
Về chi phí đi lại đối với các bạn ở khu vực chỗ Hiroshima (thuộc vùng Chuukoku – 中国)có thể đi bằng 高速バス (xe bus nhanh chạy đường cao tốc) mất khoảng 4 tiếng với giá khá hạt dẻ, dừng tại trạm xe ở thành phố Takamatu (高松市) – đây là thành phố lớn và trung tâm ở Kagawa, từ đây các bạn có thể đi đến các địa điểm còn lại. Chi phí và cách đặt các bạn có thể tham khảo tại:
https://www.jr-shikokubus.co.jp/businfo/takamatsu_ex/hiroshima.html
Còn tiền tham quan các địa điểm mình đã ghi cụ thể ở từng nơi. Mọi người có thể tham khảo nha và tốt nhất nên đi Kagawa vào mùa thu sẽ rất đẹp nhé!!!

Categories // Cuộc sống ở Nhật Tags // cuộc sống ở Nhật, du lịch Nhật Bản, kagawa

Khanhlyminori là nơi mình sống “chậm hơn”, là nơi lưu giữ toàn bộ những sự kiện lớn nhỏ trong cuộc đời của mình (chuyện học, chuyện sống, sự vực dậy…). Qua đó, mình muốn chia sẻ, kết nối những tâm hồn đồng điệu với nhau.

Mình bắt đầu viết blog năm 21 tuổi, cho đến “Ly của hiện tại”!

Tìm Kiếm

Bài Viết Mới Nhất

  • Học tiếng Nhật qua bài hát “Spinning Globe”- OST “Thiếu niên và Chim Diệc” 12/20/2023
  • Bài học về sự “chấp nhận” 03/13/2023
  • NGỮ PHÁP TIẾNG NHẬT N1 ~に越したことはない 01/02/2023
  • Ngữ pháp tiếng Nhật N1 いずれにしても/いずれにしろ/いずれにせよ/どっちみち 01/02/2023
  • Luyện dịch báo tiếng Nhật (P1) 12/30/2022

WEBSITE BUILT WITH WORDPRESS.COM.