Bạn đã thành thật với cảm xúc của mình hay chưa? Cảm xúc “thật” là gì?
CẢM XÚC “THẬT” VÀ “GIẢ”?!?
Theo những gì mình ngẫm nghĩ, có thể cảm xúc phản ánh được ý muốn của chúng ta. Nhưng, chưa chắc nó thể hiện được “điều bản thân thực sự muốn nói”.
Nhiều người biểu hiện thế nào, có thể nói luôn được ý mình muốn vậy. Nhưng cũng có rất nhiều người chỉ biết bộc lộ cảm xúc mà không nói được ra những gì mình thực sự nghĩ; thậm chí đôi khi nói được ra thành câu đấy nhưng do cách biểu đạt không đúng mà khiến đối phương vẫn không thể hiểu hết (hoặc lại hiểu sai) điều bạn thực sự muốn.
Hôm nọ tình cờ mình đọc được một bài viết từ cô giáo cũ của mình (Giờ cô đã trở thành một chuyên gia về Não và Trái tim – Khoa học Não bộ), mình xin phép được trích lại:
Một thực tế là, rất nhiều cảm xúc (đặc biệt là cảm xúc tiêu cực như giận, buồn, chán) mà chúng ta cảm thấy – lại không phải là cảm xúc THẬT.
Hay nói đúng hơn, bên dưới những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy – ẩn giấu những cảm xúc thật sự.
Trong các loại “cảm xúc thật”, có 3 loại có thể nói là bản chất nhất.
– Muốn được hiểu
– Muốn được chia sẻ
– Muốn được yêu
Ví dụ, bạn giận người yêu vì không rửa bát giúp bạn.
Cảm xúc bề mặt là “giận dữ”. Nhưng đó không phải là cảm xúc thật.
Sâu bên trong, bạn muốn người đó hiểu rằng bạn cũng vất vả.
Bằng việc giúp bạn rửa bát, bạn muốn cảm thấy mình được san sẻ những mệt mỏi.
Và thông qua cử chỉ trên, bạn muốn cảm thấy mình được quan tâm và được yêu.
Việc nhận ra cảm xúc (mong muốn) thật, thừa nhận và bày tỏ – là bước đầu để bạn được thấu hiểu, được chia sẻ, và được yêu ?.
– Hong Anh Nguyen –
Cùng 1 vấn đề, mỗi người lại có phản ứng khác nhau tuỳ theo tính cách và trải nghiệm riêng.
Bản thân mình có xu hướng “Bộc lộ cảm xúc đi kèm với nói mong muốn, nguyện vọng”, mình thích những gì rõ ràng, dứt khoát, gọn ghẽ để tránh gây hiểu nhầm lẫn dày vò cả hai phía.
Với mọi mối quan hệ mình đều cố gắng như vậy, để đối phương có thể hiểu mình đúng, đồng thời đối phương cũng chủ động nói ra ngược lại cảm xúc thật của họ với mình.
—
Rồi, mình cũng thấy nhiều người cũng chả mấy khi “dám thể hiện cảm xúc thật” của họ với người khác. Khóc không dám khóc, vui cũng không dám vui quá, buồn cũng không dám buồn…
Mình không biết vậy họ có cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay hài lòng với điều đó hay không? Và làm cách nào họ vượt qua được những lúc như vậy? Vì mình cảm thấy, con người đâu thể sống một mình, đâu ai sinh ra đã có khả năng “tự chữa lành” cho bản thân.
Nếu hiện tại bạn chưa cảm thấy có ai đủ đáng tin để chia sẻ, nhưng chỉ cần bạn mong cầu có một ai đó ở bên và không ngừng kiếm tìm chắc chắn bạn sẽ được một người đồng hành đáng tin cậy. Hãy tự động mở lòng mình hơn nữa nhé! Đồng thời hãy tìm kiếm những nguồn năng lượng từ người đồng điệu về tâm hồn qua việc nghe Podcast (Giang ơi Radio, Sunhuyn Podcast, Đắp chăn nằm nghe Tun kể, Chuyện Nhảm Nhí, Oddly normal, The Present Writer, Have a Sip…) đều là những kênh Podcast vô cùng hay và ý nghĩa, tiếp thêm cho bạn năng lượng tích cực, “đỡ chán” theo đúng nghĩa đen và cho bạn một suy nghĩ khác “lối mòn” bạn đang đi đó.
Hãy cứ là mình và chân thành với cảm xúc, san sẻ với những người thực sự muốn bạn tốt lên… Chuyện gì vui lại càng vui, càng hạnh phúc, bạn lại càng thấy mình được yêu thương. Chuyện buồn đến mấy cũng nhẹ đi vài phần, sự tiêu cực cũng “tiêu” đi dăm ba phần… Rồi lúc đấy bạn muốn giải quyết thế nào thì lại là tuỳ bạn ^o^ !!!
Vì vậy, hãy cứ tự do thể hiện cảm xúc của bản thân, chân thành với chính mình, quan tâm chính mình, để bản thân bạn thực sự thoải mái tự nhiên thế giới xung quanh sẽ “nhẹ nhàng” với bạn, chính bạn cũng “phóng khoáng ” hơn với mọi vấn đề xung quanh mình.
Mong tất cả mọi người đều có được một “tri kỷ” để bất kỳ chuyện gì cũng có thể tâm sự và chia sẻ ❣️
CÁCH ĐỂ CUỘC SỐNG CỦA BẠN BỚT NẶNG NỀ VỀ CÁC MỐI QUAN HỆ HƠN
Gần đây, mình đang đọc cuốn 「いつもうまくいく女性はシンプルに生きる」- dịch sơ sang tiếng Việt có nghĩa “Người phụ nữ luôn thuận lợi thường sống đơn giản” của tác giả 浅野裕子.
“Chỉ nên giữ mối quan hệ cá nhân của bạn trong 3 nhóm”.
シンプルに生きましょう! HÃY SỐNG THẬT ĐƠN GIẢN ^^.
Khanhlyminori