[REVIEW] HOÀNG TỬ BÉ – Mỗi lần đọc là mỗi lần cảm nhận khác nhau 

Khi nói đến những cuốn sách “nên đọc một lần trong đời”, chắc hẳn cuốn “Hoàng Tử Bé” của tác giả Antoine de Saint-Exupery cũng thuộc hàng TOP và không hề xa lạ với các “mọt sách” nào.
Về tác giả Antoine de Saint-Exupery có lẽ cuốn “Hoàng Tử Bé” là tác phẩm đầu tiên mình đọc của ông. Nghe nhận xét từ một đứa bạn cũng rất thích đọc sách của mình, rằng lối viết của ông rất lãng mạn và nhẹ nhàng. Và chính “Hoàng Tử Bé” cũng phản ánh rất rõ phong cách ấy.
Phải đến lần thứ 3 đọc truyện, một lần xem phim mình mới hiểu được “Hoàng tử bé” theo cách của riêng mình và chưa từng có cuốn sách nào khiến mình kiên trì quay lại tìm đọc như vậy.
+ Lần 1 đọc – khi mình 19 tuổi: Mình không hiểu gì, những câu chuyện và chuyến phiêu lưu trong cuốn sách không đọng lại bất cứ gì trong mình cả. Mình chỉ cảm thấy sao cuốn này đọc xong nhanh thế, 2 tiếng đã đọc xong.
+ Lần 2 đọc – khi mình 20 tuổi: Vì thấy quá nhiều người review cực cuốn, nên mình lại tìm đọc lại. Lần này, mình chắc chỉ hiểu được ~30% ý nghĩa câu truyện.
+ Lần 3 đọc – khi mình 22 tuổi: Vẫn là mất khoảng ~2 tiếng đọc xong, nhưng lần này mình không gấp sách lại vội, mình đọc đi đọc lại những chỗ đã “vỡ lẽ”, và đọc lại những phần “không hiểu” và còn thắc mắc.
Lần này mình còn lên web kiếm “Bình luận về Hoàng tử bé”, trên web nói cuốn sách không hẳn là truyện ngụ ngôn dành cho trẻ em, mà là một câu chuyện về chiến tranh.
Đọc đến đây, mình nghĩ, đọc cuốn này mình không cảm nhận thấy 1 tí gì về chiến tranh cả…
Mình chỉ thấy những bài học về cuộc đời, về tư duy và những “lý lẽ” khác biệt giữa trẻ con – người lớn. Khác biệt đến mức trẻ em và người lớn như đang ở hai hành tinh khác biệt và lạ hoắc!
Đọc xong lần thứ 3, mình đã tìm ngay phim để xem. Và… mình đã khóc – một cảm xúc không hề có khi đọc truyện.
Thực sự, với những ai đã đọc truyện nhưng chưa hiểu được “theo cách của mình”, có thể tìm đến phim “Hoàng tử bé”. Bởi theo mình, truyện “Hoàng tử bé” sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bối cảnh, về tâm lý nhân vật Hoàng tử và bác phi công. Còn khi đến với phim, bộ phim sẽ hoạt hóa chính cuốn truyện, cho ta một cốt truyện đầy đủ, dễ hình dung về các nhân vật – những hỷ nộ ái ố, những biểu cảm trên khuôn mặt. Và đặc biệt, phim cho ta “nghe” được “tiếng cười” của Hoàng tử bé – tiếng cười mà bác phi công luôn muốn được nghe lại mỗi khi nhìn lên bầu trời. Ngoài ra, phim cho ta một cái kết thật trọn vẹn và ý nghĩa. Bật mí cho người xem “hành tinh” của Hoàng tử bé và chân dung thực sự của cậu. Sau khi dời Trái đất, tạm biệt bác phi công, Hoàng Tử Bé đã đi đâu và làm gì…
Một cái kết thỏa mãn và không buồn thảm như trong truyện.
Trả lời